QUY TRÌNH CHĂN NUÔI VỊT CỔ LŨNG THƯƠNG PHẨM

3/11/2023 9:22:50 PM

QUY TRÌNH CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG

VỊT CỔ LŨNG THƯƠNG PHẨM

 

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Vịt Cổ Lũng là giống vịt địa phương được phân bố ở 6 xã cụm Quốc Thành của huyện miền núi Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa (bao gồm Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Lâm, Thành Sơn và Ban Công), nhưng chủ yếu tập trung ở 2 xã Cổ Lũng và xã Lũng Niêm. Trước đây vịt được nuôi theo hình thức chăn thả tự do ngoài ruộng lúa, dọc theo các con suối là chính, nhưng hiện nay khi áp dụng các quy trình kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, vịt Cổ Lũng vẫn thể hiện được khả năng thích nghi tốt với phương thức nuôi nhốt hoặc bán chăn thả. Cùng với việc quy hoạch phát triển các khu du lịch sinh thái, vịt Cổ Lũng đã được huyện Bá Thước xem như là giống vật nuôi chủ lực nhằm phát triển kinh tế, quảng bá thương hiệu các sản phẩm vật nuôi đặc sản của địa phương.

Vịt Cổ Lũng có ngoại hình đặc trưng của giống vịt kiêm dụng, màu lông đồng nhất; vịt con mới nở có màu lông xám đen có khoang vàng, mỏ và chân có màu xám có điểm vàng xung quanh. Vịt trưởng thành có màu lông cánh sẻ đậm, con đực có đầu lông cánh sẻ đậm, con đực có lông móc ở đuôi rất cong, thân hình vững chắc, ngực sâu, rộng, thân ngắn, thấp, mình bè, mỏ và chân màu vàng xám, chân thấp, nhỏ. Đây là giống vịt kiêm dụng, giống vịt này được bà con nông dân chăn nuôi theo hình thức chăn thả (lúa - vịt) là chính. Tuy nhiên, khi áp dụng các kỹ thuật hiện tại vào quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, đặc biệt là xác định được các mức bổ sung năng lượng và protein vào khẩu phần ăn, vịt Cổ Lũng đã cho thấy khả năng sinh trưởng phát triển rất tốt. Đây chính là cơ sở để người chăn nuôi mạnh dạn áp dụng TBKT vào trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

2.1. Đối tượng áp dụng

Quy trình này được áp dụng cho giống vịt Cổ Lũng nuôi thương phẩm.

2.2. Phạm vi áp dụng

Các cơ sở trang trại, nông hộ chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm.

III. NỘI DUNG QUY TRÌNH

3.1. Một số yêu cầu chung

3.1.1. Yêu cầu chung về chuồng trại

- Khu vực chăn nuôi nên tách riêng với các khu vực khác, chuồng nuôi nên cách xa khu dân cư.

- Khu chăn nuôi nên có hàng rào, lưới hoặc tường bao chắn xung quanh khu vực chăn nuôi, không để vịt tự do trong khu vực sinh hoạt của gia đình.

- Xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, duy trì mật độ đúng yêu cầu và đủ diện tích sân chơi, ao bơi.

- Ao cho vịt bơi phải có diện tích đủ lớn để đảm bảo nước không bị ô nhiễm, phải chủ động nguồn nước để thường xuyên thay nước cho ao.

- Nếu nuôi nhốt hoàn toàn thì khoảng cách giữa các dãy chuồng nuôi tối thiểu là 20m nhằm đảm bảo sự thông thoáng và cách ly. Khu vực trại phải được trồng cây xanh để có thể giảm bức xạ nhiệt những khi trời nắng nóng.

- Kiểu chuồng nuôi phổ biến và phù hợp ở Việt Nam là hệ thống chuồng hở. Đây là kiểu chuồng không xây bịt kín xung quanh chuồng, thường được thiết kế gồm chuồng, sân chơi và ao bơi.

- Tùy thuộc vào quy mô, điều kiện tài chính mà người chăn nuôi có thể lựa chọn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố hay đơn giản sao cho phù hợp với vịt nuôi ở các giai đoạn khác nhau nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

- Kích thước chuồng: Diện tích chuồng tùy thuộc quy mô nuôi, khi xây dựng chuồng cần chú ý không nên xây chuồng quá hẹp vì dễ bị mưa tạt. Chiều rộng chuồng nuôi thích hợp là 10 - 12m. Chiều dài tùy thuộc vào số lượng vịt nuôi, nhưng phải đảm bảo mật độ thích hợp là tối đa 3­ 4 con/m2.

- Tường xây 3 mặt phía trước cao 1m bằng gạch, bên trên sử dụng khung lưới B40 để tạo độ thông thoáng, phần mặt phía ngoài sân không xây để vịt tự do đi lại. Với chuồng đầu tư đơn giản có thể sử dụng cót ép, phên tre để che chắn thay cho tường gạch. Nếu làm chuồng trên ao cá, trên nền chuồng ghép bằng phên tre để có thể rửa hàng ngày. Từ nền chuồng có cầu lên sàn, thức ăn dư thừa được rửa trôi xuống ao..

- Mái được lợp bằng tôn hay ngói xi măng với độ dốc 30% nếu lợp bằng các loại vật liệu như lá dừa nước hoặc rơm thì cần có độ dốc lớn hơn để nước mưa có thể thoát tốt tránh dột. Với các chuồng được lợp bằng mái tôn thì khoảng cách từ nền chuồng đến nóc tối thiểu là 3,8m.

- Nền chuồng bằng xi măng, lát gạch hoặc sử dụng cát với độ dày 15cm trở lên, độ dốc nền chuồng từ 7-100 để dễ vệ sinh và thoát nước. Vì phân vịt nước nhiều nên khi sử dụng nền cát có ưu điểm là hút nước tốt làm nền khô.

- Chuồng nuôi vịt cần thoáng mát, khô ráo, có hố chứa nước thải khi vệ sinh chuồng trại sau đó được xử lý bằng các chất sát trùng trước khi thải ra ngoài môi trường.

- Sân chơi có kích thước tối thiểu bằng kích thước chuồng nuôi, có thể đổ cát để nước thấm nhanh hoặc lát gạch tàu có độ dốc 1% để không đọng nước. Nếu sân chơi nền đất dạng sân vườn có cây xanh thì diện tích sân cần rộng vì lượng phân thải ra hàng ngày của vịt không thể xịt rửa như sân xi măng hay lát gạch.

- Ao cho vịt bơi phải có diện tích đủ lớn để đảm bảo nước không bị ô nhiễm, phải chủ động nguồn nước để thường xuyên thay nước cho ao.  

3.1.2. Yêu cầu chung về các dụng cụ chăn nuôi

- Rèm che: Khu chuồng nuôi phải có rèm che bằng bạt hoặc bao tải tận dụng để có thể kéo lại khi trời lạnh, gió lùa và mở ra khi trời nóng, cần thông thoáng không khí.

- Độn chuồng: Độn chuồng bằng phoi bào, trấu hoặc rơm rạ, cỏ khô cắt ngắn. Chất độn chuồng trước khi sử dụng phải được phơi khô, tiêu độc bằng các chất sát trùng, ủ một ngày sau đó rải đều cho bay hơi hết mới đưa vào chuồng.

- Quây úm hoặc lồng úm:

+ Nếu làm lồng úm nên làm theo kích thước 2m x 1,5m x 0,5m; chân cao khoảng 0,4 m để đủ úm 100 vịt con. Phần đáy lồng úm nên dùng sàn nhựa có lỗ hoặc sàn mắt cáo nhỏ chuyên dùng để dễ dàng vệ sinh sạch sẽ. Xung quanh thành có thể dùng gỗ hoặc cót.

+ Quây úm: Có thể tận dụng cót ép tạo quây thành vòng tròn khoảng 2 – 3m2/1 quây úm để úm khoảng 70 – 100 con/quây; mật độ úm được tính như sau:

Tuần đầu: 30 – 35 con/m2 chuồng nuôi;

Tuần 2 và 3: Nới quây úm để điều chỉnh dần về mật độ 15 – 20 con/m2.

- Chụp sưởi: Làm bằng tôn đường kính rộng khoảng 50 - 70cm, bên trong lắp 3 bóng điện xen kẽ nhau. Tùy thuộc nhiệt độ môi trường mà điều chỉnh số lượng bóng đèn sao cho phù hợp.

- Máng uống: Nên sử dụng máng uống chuyên dụng loại 2 lít, 5 lít phù hợp cho từng lứa tuổi vịt. Máng uống phải được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ trước khi sử dụng.

- Máng ăn: Trong 4 tuần đầu dùng khay ăn (khay bằng tôn hoặc bằng nhựa có kích thước 50 × 60cm) hoặc có thể dùng mẹt tre đường kính 50cm. Các tuần sau dùng máng ăn P30 và P50 hoặc máng tôn vuông dài. Máng ăn phải được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ và làm khô trước khi sử dụng.

3.1.3. Yêu cầu chung về dinh dưỡng

- Thức ăn cho vịt phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự sinh trưởng và phát triển của vịt. Cần phải căn cứ vào lứa tuổi khác nhau để xác định nhu cầu dinh dưỡng cho vịt theo các giai đoạn cho đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra chúng ta cần căn cứ vào mùa vụ để xác định nhu cầu protein, năng lượng trao đổi, vitamin và khoáng cho phù hợp.

- Nguồn thức ăn: Có thể sử dụng thực ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (thức ăn công nghiệp) hoặc tự chế biến thức ăn từ các nguyên liệu sẵn có. Các nguyên liệu làm thức ăn cho vịt là: Thóc, bột cá nhạt, đầu tôm, đỗ tương, khô dầu đỗ tương, Premix vitamin, Premix khoáng, cám gạo, cua, ốc… Nếu tự chế biến phải đảm bảo đủ và cân đối các chất dinh dưỡng cho vịt.

- Tiêu chuẩn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho vịt Cổ Lũng nuôi thương phẩm như sau:

Thành phần dinh dưỡng

Giai đoạn

1 đến 28 ngày tuổi

29 ngày đến giết thịt

Protein thô (%)

20

17-18

Năng lượng trao đổi ME (Kcal/kg)

2900-2950

2850-2900

Ca (%)

1,1

1,0

P (%)

0,8

0,7

Lysine (%)

1,1

1,0

Methionine +Cystine (%)

0,6

0,6

Hormone

0

0

3.2. Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng vịt Cổ Lũng thương phẩm

3.2.1. Chăm sóc nuôi dưỡng vịt con giai đoạn 1 - 28 ngày tuổi

a. Chuẩn bị chuồng úm và các dụng cụ trước khi nhận vịt vào quây

- Khu vực chuồng úm, dụng cụ chăn nuôi phải được sát trùng trước đó ít nhất từ 24 giờ trở đi.

- Kéo rèm che kín chuồng.

- Rải chất độn chuồng đã được xử lý vào nền quây úm hoặc rải lớp phoi báo vào sàn chuồng lồng.

- Vào mùa đông, nên bật đèn sưởi ấm trong quây úm khoảng 0,5 - 1 giờ trước khi thả vịt sao cho nhiệt độ quây úm duy trì 30-320C.

b. Chọn con giống để nuôi

- Tại trạm ấp sau khi nở, vịt được cho vào phòng ấm, vệ sinh và được phòng bệnh theo lịch.

- Chọn con giống vịt Cổ Lũng: Chọn những con vịt nở đúng ngày, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mang đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống. Cụ thể như sau:

+ Khối lượng sơ sinh lớn (không nhỏ hơn 36g/con).

+ Đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống: Lông có màu xám, xen kẽ vàng nhạt, chân và cổ màu vàng cam hoặc vàng nhạt.

+ Khỏe mạnh, tinh nhanh, hoạt bát.

+ Mắt tròn sáng mở to.

+ Chân ngắn, thẳng đứng vững, ngón chân không vẹo.

+ Lông khô, bông tơi xốp, sạch, mọc đều.

+ Đuôi cánh áp sát vào thân.

+ Bụng thon và mềm.

+ Rốn khô và kín.

+ Đầu to cân đối, cổ ngắn và chắc.

+ Mỏ to chắc chắn, không vẹo, 2 mỏ khép kín.

- Thải loại những con không đạt tiêu chuẩn (ốm yếu, khèo chân, hở rốn, động kinh, bụng sệ, mỏ không khít, ỉa phân dính...).

- Trường hợp mua vịt từ bên ngoài phải mua tại các cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng con giống. Đồng thời trong quá trình vận chuyển vào thời điểm thời tiết mát mẻ, tránh vận chuyển thời gian dài có thể gây chết vịt hoặc chột vịt trong khi nuôi.    

c. Thả vịt vào quây và chăm sóc

* Mật độ:

- Có thể tận dụng cót ép tạo quây thành vòng tròn khoảng 2,5 – 3m2/1 quây úm.

- Nhốt khoảng 70 – 100 con/quây; mật độ úm được tính như sau:

Tuần đầu: 25 – 35 con/m2 chuồng nuôi;

Tuần 2 đến 4: Điều chỉnh dần về mật độ 15 – 17 con/m2.

- Lưu ý: không nên thả vịt với mật độ quá cao hoặc quá thấp vì nếu mật độ nuôi thấp, nhiệt độ trong chuồng nuôi thấp làm tăng sự toả nhiệt vịt con dễ bị lạnh. Nếu mật độ cao, độ ẩm cao, nhiệt độ chuồng nuôi cao làm cho không khí ngột ngạt, cơ thể vịt khó tỏa nhiệt; độ ẩm thấp làm chuồng trại bụi bẩn, vịt con dễ mắc bệnh đường hô hấp.

* Nhiệt độ và ẩm độ:

Tiến hành dùng bóng điện để sưởi ấm chuồng khoảng 30 phút bắt đầu thả vịt con vào. Duy trì nhiệt độ sưởi 30-32 độ trong 5 ngày đầu và giảm dần xuống từ ngày thứ 10 trở đi đảm bảo từ 24-26 độ.

- Nhiệt độ và ẩm độ úm vịt rất quan trọng vì nó ảnh hưởng ngay đến sức khỏe của đàn vịt. Nhiệt độ và ẩm độ thích hợp với sinh lý của vịt được tính như sau:

Ngày tuổi

Nhiệt độ (oC)

Ẩm độ ( %)

1 - 5

30 - 32

60 - 65

5 - 7

28 - 30

60 - 65

8 - 14

24 - 28

60 - 65

14 - 21

22 - 26

65 - 70

- Phải thường xuyên quan sát hiện trạng của vịt để biết được vịt con có đảm bảo nhiệt độ úm hay không. Dựa vào các cách sau để nhận biết.

+ Khi thấy vịt con đi lại bình thường và tản đều trong quây hoặc trong chuồng thì khi đó nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp.

+ Khi vịt con tản ra xa nguồn nhiệt, há mỏ thở nhiều thì do nhiệt độ trong chuồng quá cao.

+ Khi vịt con túm tụm lại một chỗ gần nguồn nhiệt chồng đống lên nhau thì khi đó nhiệt độ chuồng nuôi quá thấp.

+ Khi vịt con nằm chụm lại một chỗ về một phía quây hoặc một phía chuồng là do chuồng nuôi bị gió lùa.

* Nước uống:

Vịt Cổ Lũng là loại thuỷ cầm nên cần rất nhiều nước uống. Nước uống cho vịt phải đảm bảo nước trong sạch và thường xuyên cho vịt uống cả ngày lẫn đêm. Ở tuần tuổi thứ nhất không cho uống nước quá lạnh.

- Sau khi cho vịt con vào chuồng khoảng 5 phút, pha nước uống cho vịt có bổ sung thêm thuốc kháng sinh, Bcomplex và vitamin tăng đề kháng. Dùng máng uống gallon, 4 tuần đầu dùng máng cỡ 2,0 lít, các tuần sau dùng máng cỡ 4,0-5,0 lit, đáy máng uống được kê phẳng bằng gạch mỏng đặt trên đệm lót. Máng uống được rửa sạch hàng ngày và thay nước uống cho vịt khoảng 3-5 lần (sáng, chiều, tối).

- Máng uống phải đặt cách xa chỗ vịt nằm tránh tình trạng khi vịt uống nước sẽ làm ướt toàn bộ nền chuồng.

* Cho ăn:

- Vịt mới nở mua về thường để nhịn đói, cho uống nước sạch có pha thuốc bột úm gia cầm, sau nở 24 giờ mới cho ăn. Nếu vịt chưa khô lông có thể cho nhịn lâu hơn, bởi vì sau khi nở trong bụng vịt con còn chứa một khối lượng lòng đỏ có tác dụng tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng. Nếu cho vịt ăn ngay thì khối lượng lòng đỏ không tiêu được dễ làm cho vịt chết trong tuần đầu.

- Trong giai đoạn úm, vịt con đòi hỏi chất dinh dưỡng cao và thức ăn phải thích hợp. Cho một lượng thức ăn vừa phải vào máng ăn hoặc khay, mẹt rồi đặt xuống nền chuồng cho vịt ăn.

- Ở giai đoạn 3 ngày đầu tập cho vịt làm quen với thức ăn, cho vịt con ăn thành nhiều lần, có thể nghiền nhỏ thức ăn để vịt dễ ăn, dễ tiêu hóa. Bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi cho đến hết giai đoạn úm cho vịt con ăn hoàn toàn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, kết hợp bổ sung thêm các loại rau xanh cho vịt ăn. Nhu cầu protein ở giai đoạn 1 đến 28 ngày tuổi: 19-20%; nhu cầu năng lượng khoảng 2900-2950Kcal/kg thức ăn.

Những ngày nắng ấm, có thể thả vịt xuống nước để vịt tập bơi để vịt tự làm sạch lông, thay lông tơ sớm. Lần đầu cho vịt bơi khoảng 30 phút sau đó tăng dần số lần thả cho đến khi vịt cảm thấy muốn đi lại trên bờ hay dưới nước tự do. Còn về mùa đông phải úm vịt khoảng 21 ngày mới bắt đầu tập thả.

* Kiểm tra đàn vịt: Trạng thái đàn vịt giúp ta đánh giá về sức khoẻ của nó:

- Thời gian kiểm tra: Thường kiểm tra vào đầu giờ sáng hàng ngày, trước khi cho vịt ăn.

- Nộ̣i dung kiểm tra:

+ Kiểm tra tình trạng thái chung như dáng đi, các biểu hiện bất thường của vịt như liệt chân, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi, ho khó thở .v.v. Kiểm tra phân dưới nền chuồng.

+ Kiểm tra tình trạng ăn uống, xem đàn vịt có ăn uống như ngày thường hay có 1 số con hoặc cả đàn bỏ ăn .v.v.

- Khi đàn vịt biếng ăn, biếng uống, phân thay đổi phải báo ngay cho thú y xử lý.

* Một số lưu ý

- Úm vịt về mùa lạnh cần đảm bảo nhiệt độ, tuy nhiên phải chú ý độ thông thoáng của phòng úm. Cần che kín hướng gió nhưng có thể mở một phần bạt phía trên hoặc phía đối diện hướng gió của phòng úm để đảm bảo thông thoáng.

- Khi tiến hàng thay thế máng ăn, máng uống, sang các loại lớn hơn cần phải làm từ từ; cần đặt xen kẽ giữa máng cũ và máng mới trong vài ngày cho vịt quen rồi mới bỏ máng cũ ra.

- Phải thường xuyên thay độn chuồng hoặc vãi thêm trấu mới để nền chuồng luôn giư khô thoáng.

- Cần thường xuyên theo dõi trạng thái đàn vịt để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.

3.2.2. Chăm sóc nuôi dưỡng vịt Cổ Lũng giai đoạn 29 ngày tuổi đến xuất chuồng

a. Về Chuồng nuôi:

- Bảo đảm sạch, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đủ ánh sáng. Lót nền chuồng bằng trấu hoặc phôi bào không bị hôi mốc. Lót trấu hoặc mùn cưa,... với độ dày từ 10-15 cm. Nếu làm chuồng trên ao cá, trên nền chuồng ghép bằng phên tre để có thể rửa hàng ngày. Từ nền chuồng có cầu lên sàn, thức ăn dư thừa được rửa trôi xuống ao..

- Mật độ nuôi: Nếu nuôi nhốt hoàn toàn theo hướng công nghiệp thì nuôi với mật độ 4-5  con/m2 chuồng trại; nếu nuôi bán chăn thả thì có thể nuôi 6-7 con/m2 vào mùa hè và 8-9 con vào mùa đông. Đối với vườn và ao chăn thả cần có diện tích đủ lớn (tối thiểu 1m2/con).

b. Về thức ăn

- Nếu hoàn toàn hướng công nghiệp thì sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dạng viên.

- Nếu nuôi kết hợp tận dụng thì dùng gạo lật nấu chín hay thóc luộc chín trộn với tôm, tép, cám gạo, cá, cua, ốc, giun đất, bã bia ... và các loại rau xanh. Cần tính toán để hàm lượng protein trong thức ăn ở giai đoạn này đạt khoảng 17 - 18%.

- Khi sử dụng thức ăn phải lưu ý không được mốc và thiu, chua.

c. Về nước uống

Cần có đủ nước uống cho vịt. Nhu cầu lượng nước uống hằng ngày bằng 3 - 4 lần lượng thức ăn tinh. Trước khi thả vịt xuống ao phải cho vịt uống đủ nước. Có thể dùng máng uống tự chế bằng tôn, chậu sành hay máng uống tự động.

d. Vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh

Định kỳ phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi và các khu vực xung quanh 1 -2 tuần một lần.

Quét mạng nhện, bụi bẩn bám vào chuồng nuôi, dọn vệ sinh quanh khu vực chăn nuôi định kỳ 1-2 tháng 1 lần.

Thường xuyên diệt chuột và côn trùng ở khu vực chăn nuôi, làm cỏ, phát quang cây cối quanh khu vực chuồng nuôi để tránh những con vật mang mầm bệnh vào cho gia cầm.

Định kỳ dọn phân cho gia cầm, nếu chuồng trại ẩm ướt, phải dọn phân ngay, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo.

e. Quản lý đàn vịt

- Cần phải thường xuyên quan sát, theo dõi trạng thái đàn vịt nhất là vào lúc sáng sớm và khi cho ăn, nếu thấy chúng ăn uống kém hoặc có biểu hiện bất thường thì phải có biện pháp xử lí kịp thời.

- Vào mùa đông không nên cho vịt xuống ao quá sớm. Không cho vịt xuống ao vào những ngày quá rét, những ngày trời mưa bão.

- Nếu cần phải sử dụng vacxin, kháng sinh trong thời gian gần giết thịt (xuất chuồng) cần phải ngừng sử dụng vacxin, kháng sinh trước khi giết thịt theo đúng khuyến cáo.

- Phải có sổ sách ghi chép đầy đủ các số liệu trong quá trình nuôi: Số liệu vịt con đầu vào; số lượng chết và thải loại; sử dụng thức ăn, vacxin và thuốc thú y ... các số liệu phải đầy đủ, chính xác, liên tục.

3.3. Lịch phòng bệnh cho vịt Cổ Lũng thương phẩm

Ngày tuổi

Vac xin, thuốc thú y

Phòng bệnh

Cách sử dụng

1-3

- Bổ sung vitamin, các loại thuốc úm dành cho vịt.

- Sử dụng kháng sinh như: Moxcolis, Amoxy, Ampicoli, Tetracylin,  Streptomycin ...

- Tăng sức đề kháng và chống các stress.

 

- Phòng chống nhiễm trùng rốn, các bệnh đường ruột.

- Pha nước uống hoặc trộn vào thức ăn, liều theo nhà sản xuất.

- Pha nước uống hoặc trộn vào thức ăn, liều theo nhà sản xuất.

 

10 -12

- Vacxin viêm gan siêu vi trùng

 

- Vacxin Dịch tả vịt lần 1

- Viêm gan siêu vi trùng

 

- Dịch tả vịt

- Uống, hoặc tiêm, liều theo nhà sản xuất.

- Tiêm dưới da, liều theo nhà sản xuất.

18 - 20

- Vacxin H5N1 lần 1.

 

 

- Bổ sung Vitamin.

- Cúm gia cầm

 

 

- Tăng sức đề kháng, chống stress

Tiêm dưới da cổ hoặc bắp, liều theo nhà sản xuất.

- Uống hoặc trộn vào thức ăn.

38 - 46

- Sử dụng một trong các loại kháng sinh như teramixin,  xintomixin, biomixin ...

- Vac xin tụ huyết trùng lần 1.

- Vacxin H5Nl lần 2.

- Phòng bệnh Ecoli, phó thương hàn vịt

 

 

- Tụ huyết trùng

 

- Cúm gia cầm

- Trộn vào thức ăn, liều theo nhà sản xuất.

 

- Tiêm dưới da, liều theo nhà sản xuất.

- Tiêm dưới da, liều theo nhà sản xuất.

55– 60

- Vacxin Dịch tả vịt lần 2.

- Vacxin viêm gan siêu vi trùng lần 2.

- Dịch tả vịt

 

- Viêm gan siêu vi trùng

- Tiêm dưới da, liều theo nhà sản xuất.

- Tiêm dưới da, liều theo nhà sản xuất.

60 - 70

- Bổ sung kháng sinh, bổ sung vitamin, liều trình 3 - 4 ngày.

- Nâng cao sức đề kháng, phòng bệnh nhiễm khuẩn

- Trộn vào thức ăn

* Lưu ý khi sử dụng vac xin:

  - Vac xin thường dùng cho vịt gồm 2 loại là vac xin đông khô và vac xin dung dịch đã được pha sẵn.

- Đối với các vacxin đông khô như vacxin dịch tả vịt, viêm gan siêu vi trùng khi sử dụng nên đặc biệt chú ý liều lượng pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Đối với vacxin đã được pha sẵn như vacxin tụ huyết tùng, H5N1 thì khi sử dụng cứ dùng theo liều hướng dẫn đã ghi trên nhãn bao bì.

- Tất cả các loại vacxin trước khi tiêm phải làm lọ vacxin ấm lên mới tiến hành tiêm vào cơ thể vịt.

- Chỉ nên tiêm dưới da cổ hay cánh của vịt

- Các loại vacxin không được tiêm cùng một lúc mà ít nhất phải cách nhau 5 ngày.

- Chỉ nên tiêm vacxin cho vịt khi toàn đàn đang khỏe mạnh bình thường, nếu đã đến lịch tiêm phòng mà đàn vịt lại bị mắc bệnh thì có thể lui lại cho đến khi đàn vịt khỏe hoàn toàn mới tiến hành tiêm.

 - Sau khi tiêm vacxin phải pha bột điện giải cho vịt uống 3 ngày liên tục.  

3.4. Một số bệnh thường gặp ở vịt CLũng thương phẩm.

3.4.1. Bệnh dịch tả vịt.

* Nguyên nhân: Bệnh do vi rút thuộc nhóm herbes gây ra, đây là nhóm vi rút có sức đề kháng cao. Ở điều kiện 220C, vi rút có thể tồn tại trong môi trường 30 ngày.

* Triệu chứng:

- Thời gian ủ bệnh khoảng 3 - 7 ngày, thời kỳ đầu ổ dịch có thể có những các thể vịt chết mà chưa có biểu hiện một triệu chứng nào rõ ràng

- Ở vịt con triệu chứng điển hình đầu tiên là viêm giác mạc, mắt ướt và ướt cả lông sung quanh mắt, sau đó sưng và dính 2 mí mắt lại với nhau khiến cho vịt không mở mắt được, rồi có dịch chảy từ mũi, mỏ thì cắm xuống đất, chảy nước có chất nhầy bẩn, có giọng kêu khàn khàn, vịt ủ rũ, bỏ ăn, phân vàng xanh, đôi khi lẫn máu.

- Vịt đã nặng bệnh thì lông sù, sưng vùng đầu mặt, ỉa chảy, phân vàng xanh nhạt, đôi khi lẫn máu, xung quanh hậu môn dính đầy phân, mùi rất thối. vịt bỏ ăn nhưng lại rất khát nước. Nhiều con có triệu chứng thần kinh. Bệnh do virus gây ra nên không chữa trị được một khi đã mắc phải bệnh này là chết tới 80-100%

* Bệnh tích:

Bệnh tích đặc trưng là viêm ruột xuất huyết, kéo màng giả ở hầu, thực quản và hậu môn, lá lách giảm thể tích, gan sưng to, trên bề mặt và trên bề mặt cắt có các nốt hay vùng hoại tử, xuất huyết, gan thoái hóa trông giống như đá cẩm thạch.

* Phòng, trị bệnh

- Phòng bệnh:

+ Tiêm vacxin phòng dịch tả ở vịt

+ Nuôi dưỡng và chăm sóc đúng quy trình

- Điều trị: chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là các biện pháp làm tăng sức đề kháng và giảm triệu chứng.

3.4.2. Bệnh viêm gan siêu vi trùng vịt.

* Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh gây nên do vi rút chủng Entrovirus thuộc nhóm Picornaviridae. Vi rút sống lâu trong phân động vật, rất khó diệt trừ vi rút từ những vật bị nhiễm vi rút. Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hoá, hô hấp và vết thương ở da. Vịt nhiễm bệnh luôn bài xuất vi rút ra môi trường bên ngoài theo phân, nước mũi vào thức ăn, nước uống, chất độn chuồng... lây nhiễm sang vịt khác. Mầm bệnh truyền từ mẹ qua trứng vào phôi.

* Triệu trứng :

- Bệnh chủ yếu xuất hiện ở vịt con, giai đoạn dưới 6 tuần tuổi. Nếu bệnh ở thể quá cấp tính thì vịt con lăn ra chết đột ngột trong vong 1 – 2 giờ sau khi nhiễm bệnh.

- Vịt ủ rũ, chậm chạp,bỏ ăn và tụ lại một chỗ. Chỉ trong thời gian ngắn,vịt con lăn ra đất với cái đầu ngẹo lại đằng sau lưng và kèm theo các cơn co giật chân, mất thăng bằng ngã về một phía, thích lật ngửa, 2 chân đạp như bơi chèo, liệt 2 chân rồi chết. Đặc biệt khi chết vịt có tư thế rất đặc trưng: chân duỗi thẳng, cổ rụt, đầu ngửa ra sau.

* Bệnh tích

- Gan sưng to, có các chấm hay điểm xuất huyết xuất huyết trên bề mặt gan. Lách sưng to kèm những điểm hoại tử ở lách và gan; ở màng tim có màng giả.

- Thận sưng to, sung huyết và có máu tím tái.

* Phòng bệnh: Do bệnh truyền nhiễm qua thức ăn, nước uống, đường hô hấp, nên khi bệnh xảy ra cần nhốt riêng vịt ở các lứa nở khác nhau, cách ly xa nơi có dịch bệnh.

          - Trong và ngoài chuồng, khi có dịch xảy ra phải thường xuyên tiêu độc, khử trùng

          - Dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống phải thường xuyên vệ sinh, sát trùng

          - Chăn thả vịt ở nơi không ô nhiễm.

          - Đảm bảo thức ăn, nước uống sạch sẽ, vịt được sống trong điều kiện tối ưu nhất.

          - Không nhập vịt con từ vùng có bệnh lưu hành thường xuyên

          - Tiêm vacxin viêm gan phòng bệnh

 * Điều trị: Dùng kháng thể viêm gan siêu vi trùng vịt.

+ Vịt dưới 2 tuần tuổi: Tiêm bắp thịt hoặc dưới da cổ

Tiêm lần 1: 1ml/con hoặc uống 2ml/con

Tiêm lần 2: 1ml/con,sau 3 ngày

+ Vịt trên 2 tuần tuổi: Tiêm bắp thịt hoặc dưới da cổ

Tiêm lần 1: 1,5 – 2 ml/con hoặc uống 3 – 4ml/con

Tiêm lần 2: 1,5 – 2 ml/con, sau 3 ngày.

Ngoài ra, kháng thể vịt còn chứa các kháng thể khác như kháng thể phòng bệnh dịch tả và một số kháng thể không đặc hiệu khác và nó còn có một số tác dụng như một liệu pháp protein nên có thể dùng để điều trị nhiều bệnh truyền nhiễm của vịt.

3.4.3. Bệnh cúm gia cầm

* Nguyên nhân

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm  do virus cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Virus cúm A gây bệnh cho gia cầm, một số loài động vật có vú và người. Bệnh cúm gia cầm động lực cao (HPAI) được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xếp vào danh mục bảng A. Biến chủng H5N1 của virus cúm gà bắt đầu hoành hành từ năm 1997. Type virus này có tính biến dị cao, có thể kết hợp với các type khác sinh ra đại dịch. Virus lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh. Virus cúm cư trú trên các loài thủy cầm di cư như: cò ngỗng trời, vịt trời... nên khả năng lây lan bệnh rất rộng và khó kiểm soát.

 * Triệu chứng

- Thường có thời gian ủ bệnh từ 3 giờ đến 3 ngày.

- Chảy nước mắt, nước mũi, mắt bị viêm giác mạc (hiện tượng nầy không thấy ở gia cầm cạn), đỏ và có ít rỉ mắt, chúng khó thở và khản giọng, khản tiếng, có một số con bị phù nề vùng đầu.

- Giai đoạn mới bị bệnh thường sốt, sau đó vịt xiêm ăn kém thậm chí bỏ ăn hoàn toàn, nhưng chúng uống khá nhiều nước, sinh ra tiêu chảy phân loãng trắng như phân cò hoặc trắng xanh, xung quanh lỗ huyệt bẩn, có nhiều phân trắng xanh bám dính, niêm mạc hậu môn bị phù nề và xuất huyết nặng, rõ nhất là ở vịt đẻ.

- Vịt cúm lười vận động, hay nằm, ngại xuống nước, sau đó không lâu ta thấy chúng bị bại chân, bại cánh, khi xua đuổi chúng cố sức chạy bằng cả đầu gối, hai cánh sã rộng chống xuống đất, làm động tác như hỗ trợ chân để có thể chạy được. Đầu và cổ vươn dài lắc lư về các phía.

- Vịt đứng tụm lại một chỗ, lông xù, những chỗ da không có lông bị tím tái.

- Vịt gầy sút nhanh, cả đàn suy sụp nhanh và chết cũng rất nhanh, bệnh kéo dài từ 1-7 ngày và kết thúc với tỷ lệ chết khá cao đến mức tuyệt đối 100%.  

* Bệnh tích

- Mào và yếm sưng to,phù quanh mí mắt

- Xuất huyết đốm ở bề mặt niêm mạc

- Viêm xuất huyết hầu hết toàn bộ đường tiêu hóa đặc biệt thấy rõ ở manh tràng,dạ dày tuyến nơi tiếp giáp với mề.

* Phòng, trị bệnh

          Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cúm gia cầm, vì vậy đối với bệnh này người chăn nuôi thực hiện công tác phòng bệnh là chính.

- Phòng bệnh bằng phương pháp an toàn sinh học

+ Tiêu hủy gia cầm trong ổ dịch một cách triệt để  

+ Vệ sinh tiêu độc thường xuyên và chặt chẻ bằng các loại thuốc sát trùng như: Vinadin 10%,Virkon 0,5%, nước vôi 10%, Formol 2%, Iodin 1%

+ Phải làm hàng rào ngăn hoặc lưới ngăn trên các thủy vực chăn thả vịt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

+ Không nuôi chung vịt với các gia cầm cạn trong một khu vực.

+ Chỉ nhập trứng giống và con giống từ các cơ sở và các địa phương an toàn về dịch cúm, có nguồn gốc rõ ràng.

 - Phòng bệnh bằng vaccin

 Thực hiện tiêm phòng bệnh cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đặc biệt, tiêm sớm cho vịt con từ 1 tuần tuổi.

3.4.4. Bệnh tụ huyết trùng

* Nguyên nhân gây bệnh

Bênh do vi khuẩn Pasteurella aviseptica gây ra, đây là một loại cầu trực khuẩn nhỏ hai đầu tròn, hình trứng hoặc hình bầu dục.

* Triệu chứng

- Vịt nhỏ dưới một tháng tuổi hiếm khi mắc bệnh này

- Bệnh có thể tiến triển ở 3 thể: 

+ Thể quá cấp tính: Vịt chết đột ngột, không kịp xuất hiện triệu trứng lâm sàng; thường sau đêm thức dậy kiểm tra chuồng thấy chết.

+ Thể cấp tính: Vịt bệnh ủ rũ sau đó quỵ, khi đã quỵ xuống không đứng dậy được, vịt khát nước, sốt cao, thở khó khăn,có nhiều màng trắng đục trong xoang miệng,vịt ỉa chảy lúc đầu có những điểm trắng sau chuyển thành một màu xanh nhạt.

+ Thể mãn tính: Vịt bị sưng các khớp chân và gầy rạc.

* Bệnh tích:

- Gan vịt bệnh sưng to

- Dưới màng gan dễ dàng nhìn thấy các điểm hoại tử màu vàng nhạt to bằng hạt ngô.

- Trong xoang chứa dịch thẩm thấu màu vàng nhạt.

- Lách có điểm hoại tử nhỏ, màu vàng.

- Ở màng tim, túi khí, minh quản, màng nhầy và niêm mạc ruột xuất huyết lấm chấm hay tràn lan.

* Điều trị: Dùng các sản phẩm như:

Streptomycin: Tiêm lọ 1 gam cho 5 – 10 kg vịt

Hoặc tiêm kanamycin 10%: Tiêm 1ml cho 5 kg vịt

Kết hợp pha bột điện giải cho uống liên tục trong ngày.

3.4.5. Nhiễm độc tố nấm mốc

*  Nguyên nhân:

Gia cầm ăn phải các thức ăn đã hình thành nấm mốc từ trước trong thức ăn, bản thân các nấm mốc này không gây bệnh mà chỉ sinh ra các độc tố gây nhiễm độc.

Cho nên các loại thức ăn cho vịt ăn chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn những thức ăn đã bị mốc, ôi thiu để tránh gặp phải loại bệnh này.

*Triệu chứng

- Bệnh không có tính lây lan từ vịt này sang vịt khác.

- vịt giảm ăn, chậm lớn, tiếng kêu không bình thường, xuất huyết ở màng chân và cánh,lông rụng nhiều.

- Đối với vịt nhỏ thường bị rối loạn vận động, quỵ không đứng dậy được sau đó là những sơn co giật nhẹ trước khi vịt chết và chết trong tư thế đầu ngẹo lại đằng sau.

* Bệnh tích:

- Vịt con mới nở chết trong vòng một tuần, gan sưng to và xám.

- Vịt lớn thận sưng to hơn.

-  Gan trắng bệch, biến đổi hoàn toàn tất cả các thùy gan.

-  Gan cứng lại và có nhiều cục trắng cứng do hoại tử và những vết xanh thẫm.

* Điều trị: Không có thuốc đặc trị nhưng thực nghiệm cho thấy nếu phát hiện sớm thì thay thức ân bằng thức ăn có chất lượng tốt. Kết hợp giải độc và bồi bổ cơ thể cho vịt uống đường Glucoze, điện giải, vitamin C, vitamin B1.

 

BỘ MÔN KHOA HỌC VẬT NUÔI

Tin liên quan