Quản lý đất đai là gì? Học ra làm gì? Mức lương bao nhiêu?

26/04/2024

Trong thời buổi giá cả leo thang, mỗi mét vuông đất được ví von như “tấc đất, tấc vàng”. Thị trường bất động sản tăng trưởng trong những năm gần đây kéo theo sự phát triển của các hoạt động liên quan đến đất đai, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ theo đó mà tăng cao. Vì thế ngành quản lý đất đai đang là ngành học rất có tiềm năng phát triển. Cùng theo dõi bài viết bên dưới để CareerViet cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin hơn về ngành học này nhé!

Quản lý đất đai là gì? Có nên học Quản lý đất đai?

Ngành quản lý đất đai hiểu nôm na là công tác quản lý mảng địa chất đất đai, xây dựng hồ sơ địa chính đất đai tại nhiều khu vực để phục vụ cho quá trình cấp sổ đỏ cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức hoặc doanh nghiệp. Một bộ phận quản lý đất đai điển hình tại Việt Nam có thể kể đến là phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó quản lý đất đai còn là quản lý nguồn tài nguyên đất, thiết kế bản đồ, áp dụng các luật đất đai để tư vấn và giải quyết tranh chấp cho khách hàng, đồng thời tiến hành đo đạc để đánh giá và quy hoạch đất. Kết hợp khoa học kỹ thuật vào quy trình vận hành quản lý đất đai, định giá và kinh doanh bất động sản.

Khi theo học ngành quản lý đất đai, sinh viên chủ yếu sẽ được tiếp cận các kiến thức liên quan về cách thức đánh giá và phân hạng đất đai, quy trình thiết lập sơ đồ đất và quản lý tài nguyên nhà đất. Ngoài ra còn được trang bị các cách thức nghiên cứu đất, đưa ra các chiến lược kinh tế nhằm thực thi các phương án sử dụng đất đai. Nói chung sinh viên theo học ngành quản lý đất đai sẽ được đào tạo để phát triển một cách toàn diện về nhiều khía cạnh khác nhau và mang lại nguồn thu nhập đáng kể, thế nên có thể thấy đây là một ngành học đáng theo đuổi và có tiềm năng lớn trong tương lai.

Ngành Quản lý đất đai cần học những gì?

Sau khi hiểu được khái niệm "ngành quản lý đất đai là gì?", bạn cũng cần nắm được những kiến thức sẽ được học khi chọn theo lĩnh vực này. Theo chương trình đào tạo chuyên ngành của đa số đại học tại Việt Nam, ngoài những điểm đã được đề cập ở phần trên, sinh viên khi theo học ngành quản lý đất đai sẽ được trang bị các kiến thức từ căn bản cho đến chuyên sâu. Cụ thể sinh viên sẽ được học cách quản lý tài nguyên đất, phân hạng đất, thiết lập bản đồ đất đai, đồng thời tiến hành nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật để thực thi các phương án sử dụng đất đai, giải quyết tranh chấp để đền bù đất nông thôn và đô thị. Ngoài những hoạt động học tập tại lớp, sinh viên còn có thể tham gia vào các khóa học bên ngoài để củng cố và bổ sung kiến thức liên quan đến địa ốc hay bất động sản, cũng như rèn luyện các kỹ năng mềm không kém phần quan trọng như giao tiếp và truyền đạt thông tin, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, kỹ năng ứng biến để giải quyết vấn đề,...

Học ngành quản lý đất đai ra trường làm gì?

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay chọn theo học ngành quản lý đất đai nhưng vẫn rất mơ hồ về lĩnh vực này, không biết sau khi tốt nghiệp ngành quản lý đất đai ra làm gì?

Làm việc tại các cơ quan nhà nước

Hiện nay các cơ quan nhà nước cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn trong bộ phận quản lý đất đai, thế nên cơ hội được làm việc tại các cơ quan nhà nước của nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp là rất cao. Khi làm việc tại đây, bạn sẽ phải trải qua các kỳ thi công chức dành cho các vị trí trong cơ quan, môi vị trí sẽ có các yêu cầu khác nhau về kinh nghiệm cũng như trình độ học vấn. Một số cơ quan nhà nước liên quan đến đất đai mà bạn có thể cân nhắc:

  • Ban thanh tra thuộc quận huyện, tỉnh hoặc thành phố.
  • Cục quản lý đất đai
  • Cán bộ hành chính cấp cơ sở hay cán bộ địa chính tại UBND xã/phường.
  • Phòng quản lý đô thị hoặc quản lý tài nguyên môi trường thuộc quận huyện.
  • Văn phòng đăng ký đất đai.
  • Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh hoặc thành phố.
  • Các Bộ như Bộ Tài Nguyên và Môi trường hay Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Làm việc tại các doanh nghiệp, công ty

Trong trường hợp bạn mong muốn làm việc tại các doanh nghiệp hoặc công ty tư nhân thì mức đãi ngộ sẽ cao hơn. Tiêu biểu có thể kể đến:

  • Các công ty môi giới bất động sản , định giá nhà đất.
  • Công ty xây dựng, thiết kế bản đồ, trắc địa.
  • Các công ty kinh doanh lĩnh vực địa ốc.
  • Bản quản lý các dự án quy hoạch và xây dựng.

Thực hiện công tác nghiên cứu, giảng dạy

Nếu bạn đam mê tham gia vào các công tác nghiên cứu khoa học thì có thể học lên cao hơn để tiếp tục giảng dạy cho lớp sinh viên sau này tại các trường đại học, hay tham gia vào các dự án tại viện nghiên cứu.

  • Giảng viên chuyên ngành quản lý đất đai tại các trường cao đẳng/đại học.
  • Tham gia vào Hội Khoa học đất.
  • Tổng cục Quản lý đất đai.
  • Tham gia vào Viện Khoa học đo đạc và bản đồ.
  • Tham gia vào Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn.
  • Tham gia vào Việc Nghiên cứu và quản lý đất đai.

Quản lý đất đai học trường nào? Top các trường đại học uy tín

Hiện nay có rất nhiều trường cao đẳng và đại học trên cả nước đào tạo chuyên ngành quản lý đất đai. Mỗi môi trường sẽ có cách thức giảng dạy khác nhau và thế mạnh riêng, thế nhưng mục tiêu chung đều là cung cấp cho lớp trẻ những kiến thức chuyên sâu nhất và đào tạo thêm nhân lực có trình độ cho lĩnh vực này. Một số môi trường đào tạo tiêu biểu có thể kể đến như:

  • Khu vực miền Bắc: Trường Đại học Mỏ địa chất; Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Trường Đại học Nông Lâm tại Bắc Giang; Học viện Nông nghiệp; Trường Đại học Lâm nghiệp; Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội; Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học QGHN.
  • Khu vực miền Trung: Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Tây Nguyên; Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Kinh tế Nghệ An; Trường Đại học Nông lâm thuộc Đại học Huế.
  • Khu vực miền Nam: Trường Đại học Tây Đô; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Đồng Nai; Trường Đại học Nam Cần Thơ; Trường đại học Nông lâm tại TP.HCM; Trường Đại học Thủ Dầu Một; Trường Đại học Công nghiệp tại TP.HCM; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tại TP.HCM; Trường Đại học Công nghệ miền Đông.

Mức lương trung bình ngành Quản lý đất đai

Một trong những lý do khiến ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn ngành học này là bởi mức lương trung bình của ngành quản lý đất đai có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng. Với những doanh nghiệp tư nhân thì mức lương này sẽ còn cao hơn. Chẳng hạn như nhân viên kinh doanh bất động sản có thể lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng, thậm chí là 13 triệu đồng/tháng. Các vị trí đo đạc thì sẽ có mức lương thấp hơn, khoảng 6-8 triệu đồng/tháng. Dựa theo tham khảo mức lương trên VietnamSalary, mức lương của nhân lực chọn con đường nghiên cứu và giảng dạy còn có thêm chính sách phụ cấp, dao động từ 9,8-19,9 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm giảng dạy và độ lâu năm trong nghề.

Tìm việc làm Quản lý đất đai ở đâu?

Ngày nay có rất nhiều cách để bạn có thể tìm việc làm quản lý đất đai. Có thể theo dõi thông tin tuyển dụng của tại trang web của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này, hoặc tìm kiếm trên các trang mạng xã hội. 

Thông qua bài viết trên, hy vọng bạn đã có đủ các thông tin cần thiết về ngành quản lý đất đai và đưa ra định hướng phù hợp với bản thân mình.

(Nguồn: CareerViet)

Tin nổi bật

Tuyển sinh 2024

TIN LIÊN QUAN