04/12/2024
SINH VIÊN LỚP ĐẠI HỌC KHOA HỌC CÂY TRỒNG K25 THAM QUAN VÀ HỌC TẬP MÔ HÌNH TRỒNG CÂY MĂNG TÂY XANH TẠI XÃ HOẰNG LƯU, HUYỆN HOẰNG HOÁ, TỈNH THANH HOÁ
Ngày 07/11/2024, các thầy cô giáo Bộ môn Khoa học Cây trồng cùng các em Sinh viên lớp Đại học Khoa học Cây trồng K25 đến tham quan và học tập mô hình sản xuất cây măng tây xanh tại xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Từ năm 2017, nhiều hộ gia đình tại xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích đất trồng lạc, vừng kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh và các loại rau ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Anh Hoàng Văn Vân chủ trang trại trồng cây măng tây xanh là cựu sinh viên ngành Trồng trọt K11, Khoa Nông Lâm Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức. Vườn măng tây xanh của anh Vân có diện tích 1,2 ha, vào thời điểm thu hoạch, mỗi ngày anh Vân thu được từ 30-40 kg mầm măng tây thương phẩm. Với giá nhập cho công ty trung bình 58–60 nghìn đồng/1kg. Trong quá trình sản xuất, anh Vân cũng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và phun mưa tự động, nhờ đó giảm đáng kể công lao động, tăng hiệu quả kinh tế.
Anh Hoàng Văn Vân - chủ vườn măng tây xanh (ảnh trái)
Hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa tại vườn măng tây (ảnh phải)
Cây măng tây xanh sau 4-6 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch trong 1 năm kéo dài 8-9 tháng, thời gian nghỉ xen kẽ giữa các đợt thu từ 15-25 ngày nên người sản xuất có nguồn thu nhập đều đặn, nhanh lấy lại vốn. Trừ mọi chi phí, mỗi ha măng tây ở trang trại của anh Vân cho lợi nhuận từ 400-450 triệu đồng/năm. Thời gian lưu gốc của măng tây xanh có thể cho thu hoạch từ 3-5 năm. Để đảm bảo chất lượng măng tây xanh, trang trại của anh và các hộ đều thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP.
Trồng măng tây xanh tuy không vất vả nhưng tốn nhiều công. Ngoài cải tạo đất, làm cỏ, bón phân, người sản xuất còn phải cắt tỉa cành lá già. Đến vụ thu hoạch, người sản xuất phải ra đồng từ 4h sáng để thu hoạch măng tươi kịp bao gói vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Giảng viên - ThS. Nguyễn Văn Hoan hướng dẫn kỹ thuật trồng cây măng tây xanh cho sinh viên ngành KHCT trường ĐHHĐ
Vốn được xem là cây trồng “khó tính”, không chịu được ngập úng. Vì vậy, ngoài đảm bảo hệ thống tưới tiêu, người sản xuất cũng phải đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc. Quá trình cải tạo đất, cần bón vôi khử trùng và đảm bảo độ pH từ 5,5 trở lên. Vào mùa mưa cần chú ý tiêu thoát nước, và bón thêm vôi để phòng trừ bệnh. Cây măng tây ít sâu bệnh, cây phát triển tốt khi được tưới phân đạm cá. Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng NPK khoảng 2 lần/tháng.
Chồi măng tây giai đoạn thu hoạch
Măng tây xanh là loại rau cao cấp, hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm 83% nước và 17% chất khô; trong đó có 2,2% đạm protein, 1,2% đường glucid, 0,6% chất xơ celluloze và các chất khoáng như Mg, K, Ca, Zn... Ngoài giá trị dinh dưỡng, măng tây còn có dược tính có tác dụng chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ và đặc biệt là giảm lượng cholesteron trong máu, giúp ổn định huyết áp... Với những ưu việt đó, nên giá trị kinh tế của măng tây xanh vượt trội so với các loại rau khác. Cũng vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây măng tây xanh, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho đầu ra của sản phẩm.
Bộ môn Khoa học Cây trồng