HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC, PHÒNG CHỐNG RÉT CHO ĐÀN LỢN TRONG VỤ ĐÔNG XUÂN 2023-2024

1/22/2024 3:07:21 PM

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, thời tiết trong vụ Đông Xuân năm 2023- 2024 bị tác động bởi biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, có thể có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài với nền nhiệt thấp làm ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi. Do đó, cần tích cực, chủ động trong việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại từ tác động của thời tiết gây ra.

Bộ môn Khoa học vật nuôi hướng dẫn thực hiện một số biện pháp phòng, chống rét cho đàn lợn nuôi tại khu Thực hành vườn trại Khoa Nông Lâm Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức như sau:

          1. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là những ngày rét đậm, rét hại để chủ động có kế hoạch, áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi.

          2. Về chuồng trại: phải được che chắn tránh gió lùa trực tiếp. Dùng bạt quây xung quanh chuồng, chú ý che qua chiều cao của con vật, khoảng từ 1,8-2,0 m; không nên che kín toàn bộ. Bổ sung thêm rơm rạ, cỏ khô lót nền chuồng. Quét dọn chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, thường xuyên thu gom chất thải để xử lý.

3. Cung cấp khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn, giai đoạn nuôi. Cho ăn tự do theo nhu cầu của vật nuôi. Cung cấp đủ nước sạch, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn giúp tăng sức đề kháng, đảm bảo vật nuôi tiêu hoá, hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

4. Chăm sóc nuôi dưỡng: phải quản lý và theo dõi chặt chẽ đàn vật nuôi hàng ngày. Quan sát biểu hiện của đàn để phát hiện biểu hiện lợn bị lạnh. Đối với lợn con, cần chuẩn bị bóng úm hoặc chất đốt để sưởi ấm cho lợn trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C.

5. Thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh định kỳ bằng các loại hoá chất thông dụng như Virkon, Han-Iodine, Benkocid  và rải vôi bột…, tẩy giun sán, ký sinh trùng ngoài da và tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo đúng quy trình. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời những vật nuôi có biểu hiện bất thường do đói rét, dịch bệnh nhằm giảm thiệt hại thấp nhất đối với vật nuôi.

(Bộ môn Khoa học Vật nuôi)

Tin liên quan